Throffer và cưỡng chế Throffer

Việc tìm hiểu và định nghĩa các dạng throffer là một phần của những nghi vấn bao quát hơn về tính cưỡng chế, đặc biệt là khả năng của những đề nghị cưỡng chế.[35] Rất khó xác định được liệu throffer có cưỡng chế hay không, và nếu có thì đến mức nào.[36] Theo định nghĩa từ xưa, chỉ đe dọa mới có tính cưỡng chế, còn đề nghị thì không; tuy nhiên, ý niệm về throffer đã đặt lên định nghĩa này một dấu hỏi lớn.[35][37] Nửa đe dọa của throffer không nhất thiết phải thể hiện rõ ràng, như Steiner đã nêu, và do đó, có thể có hình thức đề nghị, đồng thời ngầm đe dọa đối tượng.[38] Triết gia John Kleinig cho rằng throffer là một ví dụ cho những đề nghị đơn thuần có tính cưỡng chế. Đề nghị cưỡng chế cũng có thể xuất hiện khi hoàn cảnh diễn ra đề nghị đó vốn đã không thể chấp nhận được, như khi một chủ xưởng lấy lý do môi trường kinh tế đi xuống để đề nghị trả nhân viên một mức lương thấp.[39] Theo Jonathan Riley, nghĩa vụ của một xã hội tự do là bảo vệ công dân khỏi ép buộc từ bất kỳ nguồn nào, dù là đề nghị, đe dọa, throffer. Ông viết: "Nếu một ai đó [...] cố tình làm trái ý người nắm quyền lợi, thì xã hội tự do có nghĩa vụ ngăn chặn bằng cách thực hiện những biện pháp cần thiết, kể cả áp dụng pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi sử dụng quyền lực nhằm đi ngược với ý định của cá nhân hoặc tập thể sẽ "can thiệp" không chính đáng vào tính tự do của những vấn đề riêng tư tuyệt đối."[40]

Ian Hunt đồng tình, cho rằng các đề nghị có thể có tính cưỡng chế: ông khẳng định bất kỳ dạng can thiệp nào cũng có thể cưỡng chế "nếu có ảnh hưởng khắc phục được về mặt xã hội lên những hành động hạn chế sự tự do tổng thể của một đối tượng". Ông cũng chấp nhận bị phản đối, vì một số đề nghị dù cưỡng chế vẫn có thể mở rộng tự do cho đối tượng, chẳng hạn như thí nghiệm tưởng tượng triệu phú dâm đãng.[lower-alpha 4] Theo Joel Feinberg, đề nghị của ông ta có tính cưỡng chế, nhưng đồng thời cũng cho bà mẹ thêm lựa chọn, tức là gia tăng sự tự do cho bà.[41] Hunt cho rằng Feinberg đã "bỏ qua thực tế là đề nghị đó tuy tăng thêm một lựa chọn (cứu con) nhưng cũng giảm đi một lựa chọn khác (phải trở thành tình nhân)"; ông nói người mẹ không hề tự do hơn: "Dù rõ ràng là bà ấy có nhiều khả năng tự đáp ứng nghĩa vụ làm mẹ hơn (tự do hơn), khả năng được thoả mãn nhu cầu tình dục cũng giảm đi, rõ ràng không kém."[42] Hunt nghĩ bất kỳ đề nghị cưỡng chế nào (dù là đề nghị, đe dọa hay throffer) đều đồng thời gia tăng và hạn chế sự tự do của đối tượng.[42] Ngược lại, Kristjánsson lập luận rằng cách Feinberg mô tả "đề nghị cưỡng chế" không hoàn chỉnh, bởi chúng không phải đề nghị, mà là throffer.[21]

Peter WestenHerbert Hart cho rằng không phải lúc nào throffer cũng có tính cưỡng chế, và nếu có, thì là do nửa đe dọa của nó đáp ứng ba điều kiện:

  1. Chủ thể "phải có ý định đe dọa X để ép X thực hiện hành vi Z1";
  2. Chủ thể phải biết "X không muốn làm, cũng không muốn bị ép thực hiện" Z1;
  3. Nửa đe dọa của throffer phải khiến "X cảm thấy thực hiện Z1 là lựa chọn khả dĩ nhất".[43]

Từ đó, hai tác gia trên cho rằng có thể có các throffer không cưỡng chế. Họ nêu ra ba ví dụ:

  • Khi nửa đe dọa chỉ có tính chất đùa vui;
  • Khi đề nghị thu hút đối tượng đến mức nửa đe dọa không có ảnh hưởng gì đến quyết định;
  • Khi đối tượng nhầm tưởng nửa đe dọa không quan trọng vì đề nghị quá hấp dẫn.[44]

Kết luận của Rhodes cũng tương tự: nếu một throffer có tính cưỡng chế, thì nguyên do là nửa đe dọa.[45] Theo ông, điều quan trọng nhất là "liệu đối tượng có coi nửa đe dọa của throffer là điều kiện cần và đủ để thực hiện hành vi hay không".[46] Ông lập luận nếu chỉ cần nửa đề nghị là đủ để khiến đối tượng chấp thuận, thì yêu cầu đó không cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu cả hai nửa đề nghị và đe dọa đều là yếu tố xúc tiến đối tượng thực hiện hành vi, thì rất khó xác định đối tượng đó có bị ép buộc hay không. Rhodes cho rằng việc phân biệt giữa "cưỡng chế toàn phần" và "cưỡng chế một phần" sẽ là lời giải cho câu hỏi này,[45] và trong những trường hợp như vậy, sự khác biệt chỉ là mức độ.[43]